THƯ VIỆN TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐỊNH SƠN:
TÌM HIỂU LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM.
Kính thưa quý thầy cô giáo và các em hoc sinh thân mến !
Ngày 22/12 không chỉ là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân - ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân Việt Nam.
Mời quý thầy cô giáo và các em học sinh cùng tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam nhé!
Lịch sử thành lập ngày Quân đội nhân dân Việt Nam
Tháng 12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, với mục đích: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...".
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách Kế hoạch-Tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo.
Dù chỉ có 34 người, với 34 khẩu súng các loại nhưng họ là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao-Bắc-Lạng, Cứu quốc quân,... là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi.
Sau lễ thành lập, đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần gian khổ của các chiến sĩ cách mạng, đội tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân.
Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều 25-12-1944) và sáng hôm sau (7 giờ ngày 26-12-1944) đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.
Hai trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn phát triển và trưởng thành. Ngày 22/12/1944 được xác định là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc.
Năm 1989, theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội như mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân dân, giáo dục truyền thống, biểu diễn văn nghệ, đại hội thanh niên, thi đấu thể thao, hội thao quân sự,... được diễn ra ở khắp làng, xã, cơ quan đoàn thể, cơ sở đơn vị...
Ý nghĩa ngày Quân đội nhân dân Việt Nam
Các hoạt động kỷ niệm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng nâng cao cảnh giác, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị và trình độ quân sự, không ngại gian khổ, vượt qua khó khăn, trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Các hoạt động nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi tìm hiểu về ngày 22/12 các em có cảm nhận gì? Các em đã từng đọc qua các cuốn sách “ Chuyện chị Minh Khai ”. “ Những tấm gương anh hùng Việt Nam”, “ Gương liệt sĩ ”, “ Thương binh tàn nhưng không phế ”, “Nguyễn Viết Xuân sống mãi”, “ Lá cờ thêu 6 chữ vàng ”, “Bác Hồ với thương binh liệt sĩ”, “Người mẹ cầm sung”, “Võ Thị Sáu - con người và huyền thoại”, “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”, “Búp sen xanh”, “Anh hùng Điện Biên Phủ”… chưa? Các em hãy chọn cho mình một trong số các cuốn sách mà cô kể trên đây để tìm đọc và hiểu hơn về sự hi sinh cao cả trong truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông mình nhé.
Buổi tuyên truyền của cô đến đây là kết thúc rồi, thân ái chào tạm biệt các em! Hẹn gặp lại các em trong buổi giới thiệu sách lần sau.